Tổng hợp các yếu tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu

calendar01/07/2025
Kiến thức đầu tư

Giá cổ phiếu biến động liên tục và thực tế không có một công thức cố định nào để dự đoán chính xác. Tuy nhiên, việc hiểu rõ các yếu tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu sẽ giúp nhà đầu tư “đọc vị” thị trường tốt hơn, tránh bị cuốn theo tin đồn và ra quyết định đầu tư sáng suốt hơn.

Giá cổ phiếu (hay thị giá cổ phiếu – stock price) phản ánh giá trị mua bán cổ phiếu thông qua các giao dịch trên thị trường. Đây là mức giá được xác lập dựa trên cung cầu giữa người mua và người bán tại từng thời điểm, đồng thời là chỉ số quan trọng thể hiện kỳ vọng của nhà đầu tư (NĐT) đối với triển vọng tăng trưởng và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

1. Yếu tố nội tại doanh nghiệp ảnh hưởng đến giá cổ phiếu

Các yếu tố nội tại doanh nghiệp sẽ phản ánh giá trị thực của cổ phiếu.

1.1. Tình hình hoạt động kinh doanh

Tình hình hoạt động kinh doanh phản ánh năng lực vận hành và hiệu quả sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp.

  • Nếu doanh nghiệp phát triển ổn định, có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng tích cực, khả năng cao giá cổ phiếu sẽ tăng theo kỳ vọng.
  • Nếu doanh nghiệp có dấu hiệu sụt giảm lợi nhuận, tăng trưởng chậm hoặc tình hình tài chính bấp bênh sẽ làm suy giảm niềm tin của NĐT, kéo theo sự giảm giá cổ phiếu.

Con số tài chính doanh nghiệp ảnh hưởng đến giá cổ phiếu mà NĐT cần quan tâm gồm:

  • Doanh thu, lợi nhuận ròng và biên lợi nhuận: Cho thấy khả năng tạo ra lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.
  • Tốc độ tăng trưởng: Các doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng ổn định và bền vững thường được đánh giá cao hơn.
  • Chỉ số EPS, P/E, P/B: Giúp NĐT định giá cổ phiếu và so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành.
  • Tỷ lệ nợ (Debt to Asset – DA): DA phản ánh sức khỏe tài chính và khả năng kiểm soát rủi ro. Biến DA tỷ lệ nghịch với giá cổ phiếu. Doanh nghiệp có tỷ lệ nợ cao và sử dụng không hiệu quả nguồn vốn vay sẽ tạo tâm lý e ngại cho NĐT khi ra quyết định đầu tư vào doanh nghiệp, điều này sẽ khiến cho giá cổ phiếu giảm.
Nếu doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng tích cực, khả năng cao giá cổ phiếu sẽ tăng theo kỳ vọng
Nếu doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng tích cực, khả năng cao giá cổ phiếu sẽ tăng theo kỳ vọng

1.2. Quy mô doanh nghiệp

Quy mô doanh nghiệp là thước đo về tầm vóc, tiềm lực tài chính và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Các doanh nghiệp lớn thường sở hữu:

  • Chiến lược kinh doanh rõ ràng, mô hình vận hành hiệu quả.
  • Sản phẩm hoặc dịch vụ cốt lõi có vị thế trên thị trường.
  • Khả năng mở rộng quy mô, đổi mới sản phẩm, thích ứng nhanh với thay đổi.

Nhờ nền tảng tài chính vững mạnh và năng lực cạnh tranh lớn, các doanh nghiệp có quy mô lớn thường dễ dàng thu hút dòng vốn lớn từ NĐT, qua đó đẩy giá cổ phiếu doanh nghiệp tăng. Bên cạnh đó, họ cũng có khả năng chống chịu tốt hơn trước các biến động kinh tế, qua đó mang lại cảm giác an toàn cho NĐT dài hạn.

1.3. Chính sách cổ tức và tái đầu tư

Việc doanh nghiệp sử dụng lợi nhuận để chi trả cổ tức hay tái đầu tư vào hoạt động kinh doanh là một trong những yếu tố nội tại ảnh hưởng trực tiếp đến thị giá cổ phiếu.

  • Doanh nghiệp có lịch sử chi trả cổ tức ổn định và hấp dẫn, đặc biệt là cổ tức bằng tiền mặt, tạo niềm tin cho NĐT rằng doanh nghiệp có lợi nhuận tốt và đủ dòng tiền để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ cổ tức quá cao, NĐT nên cân nhắc vì điều đó có thể cho thấy doanh nghiệp đang thiếu định hướng phát triển hoặc ý tưởng kinh doanh mới.
  • Tái đầu tư lợi nhuận được đánh giá cao nếu doanh nghiệp có tiềm năng phát triển lớn (sở hữu công nghệ/dịch vụ đột phá…), giá cổ phiếu tăng trong dài hạn.

1.4. Tin tức và sự kiện liên quan đến doanh nghiệp

Các sự kiện và tin tức liên quan đến doanh nghiệp có thể tác động mạnh, thậm chí tức thời đến giá cổ phiếu. Một số ví dụ điển hình bao gồm:

  • Thương vụ M&A (mua bán, sáp nhập): Có thể tạo ra kỳ vọng tích cực nếu giúp doanh nghiệp mở rộng thị phần, tăng trưởng quy mô hoặc nâng cao hiệu quả hoạt động.
  • Thay đổi nhân sự cấp cao: Nếu người được bổ nhiệm có kinh nghiệm và uy tín, thị trường thường phản ứng tích cực; ngược lại, việc sa thải hoặc thay đổi đột ngột có thể gây ra biến động giá cổ phiếu.
  • Bê bối tài chính, kiện tụng, các vấn đề pháp lý: Đây là yếu tố gây rủi ro lớn có thể khiến giá cổ phiếu giảm mạnh do ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp và niềm tin của NĐT.
  • Tác động của truyền thông: Các bài báo, báo cáo phân tích, nhận định từ chuyên gia hay tin đồn lan truyền trên mạng xã hội đều có thể ảnh hưởng đến tâm lý thị trường và làm dao động giá cổ phiếu, dù thông tin chưa được xác thực.
Tin tức sự kiện của doanh nghiệp tác động mạnh đến giá cổ phiếu
Tin tức sự kiện của doanh nghiệp tác động mạnh đến giá cổ phiếu

2. Yếu tố bên ngoài doanh nghiệp ảnh hưởng đến giá cổ phiếu

Giá cổ phiếu chịu ảnh hưởng lớn từ môi trường vĩ mô và thị trường tài chính chung.

2.1. Diễn biến nền kinh tế quốc nội và nền kinh tế thế giới

Giá cổ phiếu phản ánh kỳ vọng của NĐT vào triển vọng kinh tế trong nước và toàn cầu. Giá có xu hướng tỉ lệ thuận với sự phát triển kinh tế.

Một số yếu tố kinh tế vĩ mô ảnh hưởng mạnh đến thị trường chứng khoán gồm:

  • Tăng trưởng GDP: Khi GDP tăng trưởng ổn định, môi trường kinh doanh thuận lợi, các doanh nghiệp có cơ hội mở rộng quy mô, gia tăng lợi nhuận – từ đó làm tăng giá cổ phiếu. Ngược lại, khi GDP suy giảm, tâm lý thị trường trở nên bi quan, NĐT lo ngại về tăng trưởng lợi nhuận, dẫn đến giá cổ phiếu có xu hướng giảm.
  • Lạm phát: Lạm phát cao làm giảm sức mua, tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp. Tuy nhiên, mức lạm phát thấp đến trung bình được kiểm soát tốt lại có thể kích thích tiêu dùng và đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
  • Tỷ lệ thất nghiệp: Tỷ lệ thất nghiệp cao phản ánh nền kinh tế suy yếu, tiêu dùng giảm ảnh hưởng đến doanh thu của các doanh nghiệp, từ đó khiến giá cổ phiếu sụt giảm.
  • Tỷ giá hối đoái, giá dầu và hàng hóa cơ bản: Những biến động này ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, năng lượng, chế biến nguyên liệu,…
  • Tốc độ tăng trưởng ngành: Mỗi ngành có chu kỳ phát triển riêng. NĐT thường đổ tiền vào các ngành đang tăng trưởng mạnh, kéo theo giá cổ phiếu trong ngành đó tăng theo.

Tuy nhiên, trong bối cảnh biến động, vẫn có một số ngành được hưởng lợi. Do đó, NĐT cần nhạy bén để nắm bắt cơ hội.

2.2. Thị trường tài chính và chính sách tiền tệ

Các chính sách của ngân hàng trung ương và sự vận động của thị trường tài chính có ảnh hưởng lớn đến giá cổ phiếu:

  • Lãi suất:
    • Lãi suất tăng → Chi phí vay vốn tăng → Doanh nghiệp khó mở rộng sản xuất → Lợi nhuận giảm → Giá cổ phiếu giảm.
    • Lãi suất giảm → Vốn rẻ hơn → Kích thích đầu tư → Giá cổ phiếu tăng.
  • Tỷ giá hối đoái: Đồng nội tệ mất giá có thể khiến doanh nghiệp nhập khẩu chịu thiệt hại nhưng lại có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu (Người ta đưa ra giả thuyết rằng khi đồng nội tệ giảm và các doanh nghiệp địa phương trở nên cạnh tranh hơn, điều này làm tăng sản lượng xuất khẩu của họ.) → Ảnh hưởng trái chiều đến giá cổ phiếu từng nhóm ngành.
  • Dòng vốn ngoại: Nếu dòng vốn nước ngoài đổ vào thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu thường được đẩy lên nhờ thanh khoản cao và kỳ vọng tăng trưởng. Ngược lại, khi họ rút vốn, thị trường dễ xảy ra tình trạng bán tháo và giá cổ phiếu giảm mạnh.

Ví dụ: Trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước có quyết định hạ lãi suất cơ bản, các ngân hàng thương mại sẽ có động thái hạ lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay. Hành động này không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí vay vốn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, mà còn khiến các NĐT cá nhân chuyển dòng vốn từ kênh tiết kiệm sang kênh chứng khoán, làm gia tăng sức mua và đẩy giá cổ phiếu tăng lên.

2.3. Tình hình chính trị xã hội

Chính trị là một trong những yếu tố chi phối mạnh mẽ hoạt động kinh tế, từ đó tác động trực tiếp đến giá cổ phiếu.

  • Tình hình chính trị: Môi trường chính trị ổn định tạo niềm tin cho NĐT yên tâm rót vốn vào thị trường. Ngược lại, bất ổn chính trị có thể khiến NĐT rút vốn và khiến giá cổ phiếu giảm.
  • Chính sách thuế: Chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế hoặc các gói hỗ trợ giúp doanh nghiệp có động lực để tăng trưởng, tạo tác động tích cực đến giá cổ phiếu.
  • Quy định pháp lý: Các quy định thắt chặt như kiểm soát dòng vốn hay hạn chế đầu tư nước ngoài có thể làm giảm sức hút của thị trường và ảnh hưởng tiêu cực đến giá cổ phiếu.
  • Xung đột địa chính trị và chiến tranh: Các cuộc xung đột có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến thị trường tài chính toàn cầu, làm giảm giá cổ phiếu.
  • Khủng hoảng xã hội: Các vấn đề như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, bất ổn xã hội có thể làm gián đoạn hoạt động sản xuất – kinh doanh, từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận và giá cổ phiếu của doanh nghiệp.
Tình hình kinh tế chính trị ổn định sẽ giúp giá cổ phiếu tăng cao
Tình hình kinh tế chính trị ổn định sẽ giúp giá cổ phiếu tăng cao

2.4. Quy luật cung – cầu trên thị trường

Giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán vận động chủ yếu theo quy luật cung – cầu, giống như mọi loại hàng hóa khác. Cung thể hiện số lượng cổ phiếu mà NĐT sẵn sàng bán ra, trong khi cầu đại diện cho số lượng cổ phiếu mà người khác sẵn sàng mua vào.

  • Khi cầu > cung (số người muốn mua > số người sẵn sàng bán) → giá cổ phiếu sẽ có xu hướng tăng.
  • Khi cung > cầu (số người muốn bán ra > số người muốn mua vào) → giá cổ phiếu sẽ giảm.
  • Khi cung = cầu → giá cổ phiếu có xu hướng ổn định cho đến khi xuất hiện một yếu tố mới làm thay đổi cán cân này.

Tâm lý NĐT cũng góp phần quan trọng vào biến động cung – cầu. Ví dụ, khi có thông tin tích cực về doanh nghiệp, nhiều người đổ xô đi mua khiến giá cổ phiếu tăng mạnh. Ngược lại, hiệu ứng bán tháo khi có tin xấu sẽ khiến giá cổ phiếu giảm sâu.

Tuy nhiên, quy luật cung – cầu cũng chỉ phản ánh hành vi ngắn hạn của thị trường. Một cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn chưa chắc là tín hiệu tốt. Cổ phiếu chất lượng phải xét đến dài hạn với các yếu tố về nền tảng tài chính vững mạnh và triển vọng tăng trưởng… Do đó, NĐT cần phân tích tổng thể nhiều yếu tố khác nhau, không nên ra quyết định chỉ dựa trên biến động cung – cầu nhất thời.

Xem thêm: 12+ tiêu chí lựa chọn cổ phiếu tốt

2.5. Thông tin gây nhiễu và tâm lý NĐT

Trong bối cảnh công nghệ thông tin và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, NĐT có thể tiếp cận hàng loạt nhận định, phân tích và tin tức tài chính chỉ với một vài cú nhấp chuột. Tuy nhiên, không phải nguồn thông tin nào cũng chính xác, khách quan và đáng tin cậy.

Khi thiếu kinh nghiệm hoặc không có khả năng phân tích độc lập, NĐT dễ bị hoang mang, dẫn đến việc đưa ra quyết định dựa trên cảm xúc thay vì lý trí. Tâm lý đám đông, hiệu ứng FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội) hoặc FUD (sợ hãi, không chắc chắn và nghi ngờ) thường khiến NĐT hành động vội vàng theo xu hướng. Điều này có thể đẩy giá cổ phiếu tăng hoặc giảm đột ngột, không phản ánh đúng giá trị nội tại.

Thị trường chứng khoán là một thị trường nhạy cảm, nơi giá cổ phiếu có thể biến động mạnh chỉ vì một tin đồn chưa được kiểm chứng. Do đó, việc giữ vững tâm lý và biết cách chọn lọc thông tin là yếu tố then chốt để NĐT đưa ra quyết định hợp lý.

Vấn đề này cũng cho thấy vai trò quan trọng của phân tích kỹ thuật. Chúng giúp NĐT đánh giá xu hướng giá cổ phiếu dựa trên dữ liệu thống kê và biểu đồ, thay vì bị chi phối bởi cảm xúc nhất thời.

Thị trường chứng khoán là một thị trường nhạy cảm, nơi giá cổ phiếu có thể biến động mạnh chỉ vì một tin đồn
Thị trường chứng khoán là một thị trường nhạy cảm, nơi giá cổ phiếu có thể biến động mạnh chỉ vì một tin đồn

3. Hoạch định chiến lược đầu tư dựa vào các yếu tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu

Giá cổ phiếu luôn biến động không ngừng dưới tác động của nhiều yếu tố bên trong và bên ngoài doanh nghiệp. NĐT cần kết hợp phân tích cơ bản và kỹ thuật để cái nhìn toàn diện và ra quyết định chính xác hơn.

  • Phân tích cơ bản giúp đánh giá giá trị thực của doanh nghiệp (tài chính, kết quả kinh doanh, tiềm năng tăng trưởng…).
  • Phân tích kỹ thuật hỗ trợ nhận diện xu hướng giá, điểm mua – bán tối ưu dựa trên biểu đồ và chỉ báo kỹ thuật.

Một số chiến lược đầu tư phổ biến:

  • Đầu tư tăng trưởng: Tập trung vào các doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai. Dựa vào các yếu tố như tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, mở rộng thị phần, đổi mới công nghệ… Phù hợp khi thị trường kỳ vọng tích cực và môi trường vĩ mô hỗ trợ tăng trưởng dài hạn.
  • Đầu tư giá trị: Tìm kiếm các cổ phiếu đang bị định giá thấp hơn giá trị thực (giá cổ phiếu thấp so với chỉ số P/E, P/B…). Phân tích sâu các yếu tố nội tại như tài sản, hiệu quả kinh doanh, ban lãnh đạo và triển vọng phục hồi. Thường áp dụng khi thị trường hoảng loạn hoặc cổ phiếu bị bán tháo.
  • Đầu tư theo xu hướng: Dựa vào phân tích kỹ thuật để nhận diện xu hướng giá (tăng, giảm hoặc đi ngang). Sử dụng các chỉ báo như MA, MACD, RSI… để xác định điểm vào – ra phù hợp. Phù hợp trong thị trường có biến động rõ ràng và tâm lý NĐT bị chi phối bởi thông tin.

Lời khuyên khi đầu tư:

  • Trang bị kiến thức phân tích thị trường, ngành và doanh nghiệp.
  • Xác định mục tiêu tài chính → đánh giá khả năng chấp nhận rủi ro → chọn trường phái đầu tư phù hợp → lập kế hoạch rõ ràng → kiên nhẫn và kỷ luật.
  • Đa dạng hóa danh mục đầu tư.
  • Theo dõi tin tức thị trường thường xuyên.
  • Tận dụng công cụ và nền tảng đầu tư chuyên nghiệp để theo dõi biến động thị trường.
  • Đồng hành cùng chuyên gia để nhận cảnh báo rủi ro, đánh giá xu hướng nhanh chóng và kịp thời.

Chứng khoán Nhất Việt (VFS) có hơn 16 năm đồng hành cùng hàng triệu NĐT cá nhân và tổ chức. Nhờ sự tư vấn của chuyên gia tài chính giàu kinh nghiệm, NĐT có thể chọn lọc cổ phiếu phù hợp với mục tiêu và khẩu vị rủi ro. Đồng thời, tối ưu hóa hiệu suất đầu tư thông qua chiến lược cá nhân hóa và dịch vụ “may đo tài chính vừa vặn”.

Giá cổ phiếu biến động liên tục do nhiều yếu tố chi phối
Giá cổ phiếu biến động liên tục do nhiều yếu tố chi phối

Giá cổ phiếu biến động liên tục và chịu tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau. Nhận diện đầy đủ các yếu tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu sẽ giúp NĐT xây dựng chiến lược phù hợp trong từng giai đoạn. Hy vọng bài viết này sẽ giúp NĐT hạn chế được các quyết định cảm tính, kiểm soát rủi ro và tối ưu lợi nhuận khi giao dịch.

Nếu NĐT đang tìm kiếm một người bạn đồng hành am hiểu thị trường và luôn sát cánh trong hành trình đầu tư, VFS sẵn sàng mang đến giải pháp tài chính vừa vặn – đầu tư thông minh – may đo theo nhu cầu. Hãy liên hệ hotline (+84 28) 6255 6586 (Chi nhánh TP.HCM) hoặc (+84 24) 3928 8222 (Chi nhánh Hà Nội) để được VFS tư vấn chi tiết!

Thay vì tự mò mẫm như đi lạc trong sa mạc mà không có la bàn, giờ đây NĐT có thể đồng hành cùng các Chuyên gia VFS tại chương trình VFS Expert, để gia tăng kiến thức đầu tư tài chính cùng nhiều ưu đãi hấp dẫn:

  • Đặc quyền chọn chuyên gia tư vấn 1:1 và bắt nhịp thị trường trong phiên giao dịch
  • Nhận các khuyến cáo/ khuyến nghị chuyên sâu về thị trường, gồm: Thông tin nhận định thị trường; Thông tin phân tích cơ bản cổ phiếu; Thông tin phân tích kỹ thuật cổ phiếu; Danh mục khuyến nghị; Cảnh báo thị trường qua ứng dụng hệ thống VFS Mobile
  • Giới hạn tối đa 20 khách hàng/chuyên gia đảm bảo chất lượng trong suốt quá trình
  • Đặc biệt, phí giao dịch chỉ từ 0,2% cùng với danh mục Margin đa dạng

Đầu tư dễ dàng hơn bao giờ hết với sự đồng hành của những chuyên gia hàng đầu!

Chi tiết về chính sách chương trình VFS Expert xem tại: https://vfsinvest.vfs.com.vn/home/VFSExpert