Cán đích 700 tỷ USD, xuất nhập khẩu – điểm sáng kinh tế 2022

calendar16/12/2022
Tin trong nước

Kinh tế vĩ mô – Đầu tư



<br />



Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt 700,23 tỷ USD. Đây là cột mốc mới ghi dấu về quy mô thương mại trên phạm vi toàn cầu.


Điểm sáng xuất nhập khẩu năm nay phải kể đến nhóm nông lâm thủy sản với sự bứt tốc ấn tượng, 11 tháng đầu năm đã đạt khoảng 90,26 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước và dự báo tháng 12 sẽ tiếp tục đà tăng. Trong đó, chuối và sầu riêng là 2 mặt hàng có sự tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng nhất lên đến hơn 200% về giá trị…

Như với sầu riêng, với 51 mã số vùng trồng và 25 cơ sở đóng gói của Việt Nam đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, đã mang về kim ngạch hơn 350 triệu USD chỉ trong 2 tháng. Vì vậy, loại trái cây này được kì vọng trở thành mặt hàng tỷ đô trong năm sau.

Ngoài ra, việc bưởi có điều kiện xuất sang Mỹ và New Zeland, nhãn đi Nhật Bản cũng đang tạo ra bức tranh sáng màu cho ngành rau quả Việt Nam trong năm sau.

Sầu riêng được kỳ vọng đạt kim ngạch xuất khẩu tỷ đô trong năm 2023

Bên cạnh đó, dệt may, da giày cũng là nhóm ngành xuất khẩu tỷ USD được kỳ vọng sẽ có điểm nhấn ấn tượng trong năm nay. Số liệu cho thấy xuất khẩu dệt may trong 10 tháng năm nay đạt gần 38 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ 2021, và mục tiêu 42 tỷ USD cho cả năm nay là khả thi.

Tuy nhiên tình hình lạm phát tại các thị trường lớn đang khiến các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Song "cái khó ló cái khôn", các doanh nghiệp đã gấp rút lên kế hoạch xuất khẩu cho năm tới.

Như tại Công ty May Tinh Lợi, nếu như vào thời điểm này mọi năm, những chuyền vải này hoạt động hết công suất để chuẩn bị cho đơn đặt hàng vào quý 1, quý 2 của năm tới. Nhưng năm nay, câu chuyện có phần khác biệt. Đại diện doanh nghiệp chia sẻ, lượng đơn đặt hàng vào quý I năm sau giảm 20-30%. Để đảm bảo hoạt động nhà máy và đời sống của người lao động, doanh nghiệp đang triển khai nhiều giải pháp.

"Đến thời điểm này, chúng tôi mới nghĩ đến tìm khách hàng trong nước nhưng May Tinh Lợi cũng đặt ra định hướng sẽ tìm khách hàng mà có thể là đối tác lâu dài ở những năm tiếp theo", ông Đỗ Xuân Hưng – Giám đốc tài chính Công ty May Tinh Lợi cho biết.

Trước đây, ngay cả với nhãn hàng thời trang cao cấp, thì các doanh nghiệp dệt may cũng nhận những đơn hàng từ 5.000 – 10.000 sản phẩm/mẫu. Tuy nhiên hiện nay, rất nhiều mẫu của các thương hiệu quốc tế lớn đang đặt dưới 1.000 sản phẩm. Thời điểm này, đây được xem là giải pháp quan trọng để doanh nghiệp có đơn hàng.