Cách đọc bảng giá chứng khoán là kỹ năng quan trọng giúp nhà đầu tư nắm bắt thông tin thị trường và đưa ra quyết định giao dịch chính xác. Trong bài viết này, Chứng khoán Nhất Việt (VFS) sẽ hướng dẫn chi tiết và dễ hiểu, giúp nhà đầu tư nhanh chóng làm chủ cách đọc bảng giá chứng khoán một cách hiệu quả.
1. Cách đọc bảng giá chứng khoán chi tiết, đầy đủ
Để đọc bảng giá chứng khoán, nhà đầu tư cần chú ý đến các thành phần gồm: cột, hệ thống đồ thị chỉ số, màu sắc và đơn giá/đơn vị khối lượng. Cụ thể như sau:
1.1. Về các cột trong bảng giá chứng khoán
(1) Mã chứng khoán (Mã CK): Danh sách mã chứng khoán của các công ty đang niêm yết trên sàn, sắp xếp theo thứ tự từ A-Z. Mỗi công ty được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cấp một mã riêng, thường là viết tắt của tên công ty.
Ví dụ:
- Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam có mã VNM (Vinamilk).
- Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam có mã BID (BIDV).

(2) Giá tham chiếu (TC) – Giá vàng: Là mức giá đóng cửa của phiên giao dịch trước đó (trừ một số trường hợp đặc biệt). Giá tham chiếu là cơ sở để tính toán giá trần và giá sàn.
Trên sàn UPCoM, giá tham chiếu không phải giá đóng cửa mà là giá bình quân của phiên giao dịch gần nhất. Giá tham chiếu thường được hiển thị bằng màu vàng, nên còn được gọi là giá vàng.
(3) Giá trần (Trần) – Giá tím: Là mức giá cao nhất có thể đặt lệnh mua hoặc bán trong phiên giao dịch. Giá trần hiển thị bằng màu tím.
- Sàn HoSE: Giá trần = Giá tham chiếu +7% hoặc Giá trần = Giá tham chiếu x 7%
- Sàn HNX: Giá trần = Giá tham chiếu +10% hoặc Giá trần = Giá tham chiếu x 10%
- Sàn UPCoM: Giá trần = Giá bình quân phiên trước +15% hoặc Giá trần = Giá tham chiếu x 15%
(4) Sàn (Giá sàn – màu xanh lam): Là mức giá thấp nhất có thể đặt lệnh trong phiên giao dịch. Giá sàn hiển thị bằng màu xanh lam.
- Sàn HoSE: Giá sàn = Giá tham chiếu -7%.
- Sàn HNX: Giá sàn = Giá tham chiếu -10%.
- Sàn UPCoM: Giá sàn = Giá bình quân phiên trước -15%.
(5) Giá xanh: Là mức giá vượt qua giá tham chiếu nhưng chưa đạt đến mức giá trần.

(6) Giá đỏ: Là mức giá thấp hơn giá tham chiếu nhưng vẫn chưa chạm mức giá sàn.
(7) Tổng khối lượng khớp (Tổng KL): Là tổng số cổ phiếu đã được giao dịch trong phiên. Chỉ số này giúp đánh giá tính thanh khoản của cổ phiếu.

(8) Bên mua: Mỗi bảng giá hiển thị 3 mức giá đặt mua tốt nhất cùng khối lượng đặt tương ứng:
- Giá 1 – KL 1: Giá đặt mua cao nhất và khối lượng tương ứng.
- Giá 2 – KL 2: Giá đặt mua cao thứ hai và khối lượng tương ứng.
- Giá 3 – KL 3: Giá đặt mua cao thứ ba và khối lượng tương ứng.
Ví dụ: Nếu giá khớp lệnh của cổ phiếu CTG đang là 22.30, những người đặt mua ở mức 22.20 sẽ phải chờ đến khi có người bán xuống mức đó mới khớp lệnh.
(9) Bên bán: Tương tự bên mua, bảng giá hiển thị 3 mức giá đặt bán tốt nhất cùng khối lượng đặt tương ứng:
- Giá 1 – KL 1: Giá chào bán thấp nhất và khối lượng tương ứng.
- Giá 2 – KL 2: Giá chào bán cao thứ hai và khối lượng tương ứng.
- Giá 3 – KL 3: Giá chào bán cao thứ ba và khối lượng tương ứng.
Ví dụ: Nếu giá khớp lệnh của BID đang là 31.90, những người bán ở 31.95 phải đợi đến khi có người mua ở mức giá đó mới khớp lệnh.

(10) Khớp lệnh: Giao dịch xảy ra khi bên mua đồng ý mua với mức giá bên bán đưa ra hoặc ngược lại. Bảng giá thể hiện 3 yếu tố chính:
- Giá: Mức giá khớp trong phiên hoặc cuối ngày.
- KL (Khối lượng khớp lệnh): Số cổ phiếu được giao dịch thành công.
- +/- (Biến động giá): Sự thay đổi so với giá tham chiếu.
Cụ thể hơn:
Phiên khớp lệnh liên tục | Phiên khớp lệnh định kỳ (ATO/ATC) | |
Ý nghĩa | Thông tin khớp lệnh trên thị trường hiện tại | Thông tin khớp lệnh tạm tính trong phiên ATO/ATC |
Giá | Giá đang khớp, giá thị trường | Giá dự kiến khớp trong phiên ATO/ATC |
KL | Khối lượng giao dịch gần nhất tương ứng với giá đang khớp | Khối lượng dự kiến khớp tương ứng (chỉ hiển thị với mã trên sàn HNX) |
+/- | Mức thay đổi giá so với giá tham chiếu | Mức thay đổi giá dự kiến so với giá tham chiếu |
Tổng KL | Tổng khối lượng khớp lũy kế trong phiên hôm nay | Tổng khối lượng đã khớp lũy kế trong phiên hôm nay |
(11) Giá: Giá trên bảng giá chứng khoán gồm các cột:
- “Giá cao nhất”: Mức giá cao nhất cổ phiếu đạt được trong phiên.
- “Giá thấp nhất”: Mức giá thấp nhất trong phiên giao dịch.
- “Giá TB” (Giá trung bình): Giá trị trung bình của các mức giá giao dịch trong phiên.
(12) Dư mua / Dư bán:
- Trong phiên giao dịch liên tục: Thể hiện số cổ phiếu đang chờ khớp lệnh.
- Kết thúc phiên: Hiển thị khối lượng cổ phiếu không được khớp trong ngày.

(13) Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN Mua/Bán): Là số lượng cổ phiếu mà nhà đầu tư nước ngoài đã mua hoặc bán trong phiên.
- Mua: Tổng số cổ phiếu mà nhà đầu tư nước ngoài đã đặt mua.
- Bán: Tổng số cổ phiếu mà nhà đầu tư nước ngoài đã đặt bán.

1.2. Về hệ thống đồ thị chỉ số
Hệ thống đồ thị chỉ số được thể hiện qua các chỉ số sau:
- VN-Index: Đại diện cho xu hướng biến động giá của toàn bộ cổ phiếu được niêm yết và giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE).
- VN30-Index: Chỉ số phản ánh giá trị của 30 cổ phiếu vốn hóa lớn (bluechip) có thanh khoản cao trên thị trường.
- VNX-AllShare: Chỉ số tổng hợp thể hiện sự biến động giá của tất cả cổ phiếu niêm yết trên hai sàn HoSE và HNX.
- HNX-Index: Được tính toán dựa trên biến động giá của toàn bộ cổ phiếu đang niêm yết và giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
- UPCOM-Index: Chỉ số phản ánh sự thay đổi giá của tất cả cổ phiếu được giao dịch trên thị trường UPCoM, thuộc HNX.

1.3. Về màu sắc có trong bảng giá chứng khoán
- Màu tím: Biểu thị mức giá tăng tối đa (giá trần) so với giá tham chiếu.
- Màu xanh lá cây: Đại diện cho mức giá tăng nhưng chưa chạm mức trần.
- Màu vàng: Cho biết giá hiện tại bằng với giá tham chiếu.
- Màu đỏ: Thể hiện mức giá giảm so với giá tham chiếu nhưng chưa chạm sàn.
- Màu xanh dương: Chỉ mức giá giảm kịch sàn, thấp nhất trong biên độ giao dịch.
1.4. Về đơn vị giá/đơn vị khối lượng trong bảng giá chứng khoán
(1) Đơn vị giá
- Cổ phiếu, CCQ, ETF, CW: Giá hiển thị được nhân với 1.000 (Ví dụ: Nếu giá khớp của mã BID là 40.7, có nghĩa là giá thực tế là 40.700 VNĐ)
- Chứng khoán phái sinh: Giá hiển thị giữ nguyên, không nhân thêm (Ví dụ: Nếu giá khớp của VN30F2007 là 900, tức là điểm hợp đồng là 900 điểm)
(2) Đơn vị khối lượng giao dịch
- Cổ phiếu, CCQ, ETF, CW trên sàn HOSE: Khối lượng hiển thị được nhân với 10 (Ví dụ: Nếu khối lượng khớp của CTG là 1,38 thì thực tế là 1.380 cổ phiếu)
- Cổ phiếu, CCQ, ETF, CW trên sàn HNX và UPCOM: Khối lượng hiển thị được nhân với 100 (Ví dụ: Nếu khối lượng khớp của ACB là 1,3 thì thực tế là 1.300 cổ phiếu)
- Chứng khoán phái sinh: Khối lượng hiển thị giữ nguyên, không nhân thêm (Ví dụ: Nếu khối lượng khớp của VN30F2007 là 13, thì thực tế là 13 hợp đồng)
2. Hướng dẫn từng bước đọc bảng giá để phân tích xu hướng giá cổ phiếu
Dưới đây là hướng dẫn cách đọc bảng giá chứng khoán của 3 trường hợp phổ biến:
Trường hợp 1: Cổ phiếu có xu hướng tăng mạnh
Ví dụ: Giả sử cổ phiếu XYZ thuộc sàn HOSE và có giá tham chiếu là 50.000 VNĐ. Trong phiên giao dịch, giá XYZ tăng kịch trần lên 53.500 VNĐ (+7%).
- Bước 1: Xác định giá tham chiếu – Tìm cột Giá tham chiếu (màu vàng) để biết giá đóng cửa phiên trước. Trong ví dụ này, giá tham chiếu của XYZ là 50.000 VNĐ.
- Bước 2: Kiểm tra trạng thái giá – Vì XYZ thuộc sàn HOSE, mức tăng 7% đồng nghĩa với việc cổ phiếu đạt mức trần. Trên bảng giá, toàn bộ thông tin liên quan đến cổ phiếu XYZ sẽ hiển thị màu tím, xác nhận rằng cổ phiếu đã chạm mức tăng tối đa trong phiên.
- Bước 3: Quan sát khối lượng giao dịch – Kiểm tra Tổng khối lượng khớp để biết có bao nhiêu cổ phiếu được giao dịch. Nếu khối lượng khớp lệnh cao, điều này cho thấy lực mua mạnh, xác nhận xu hướng tăng bền vững.
- Bước 4: Xem xét khối lượng chờ mua – Trong trường hợp XYZ tăng trần, thường sẽ xuất hiện tình trạng trắng bên bán (không có lệnh bán) và lượng đặt mua giá trần lớn nhưng chưa khớp hết. Kiểm tra cột Dư mua để xem số lượng cổ phiếu nhà đầu tư vẫn đang chờ mua, điều này phản ánh sức hút của cổ phiếu.
- Bước 5: Xác nhận xu hướng chung của thị trường – Nếu VN-Index hoặc VN30-Index cũng tăng, đặc biệt nhóm ngành XYZ thuộc có tín hiệu tích cực, khả năng cao xu hướng tăng của cổ phiếu được hỗ trợ bởi thị trường chung.
Cổ phiếu XYZ tăng kịch trần trong phiên với khối lượng khớp cao và dư mua lớn, cho thấy dòng tiền mạnh đang đổ vào, phản ánh tâm lý lạc quan của nhà đầu tư. Điều này có thể xuất phát từ tin tức tích cực, kết quả kinh doanh tốt hoặc diễn biến thuận lợi của thị trường chung.

Trường hợp 2: Cổ phiếu có xu hướng giảm mạnh
Ví dụ: Giả sử cổ phiếu ABC thuộc sàn HNX và có giá tham chiếu là 30.000 VNĐ. Trong phiên giao dịch, giá ABC giảm kịch sàn xuống 27.000 VNĐ (-10%).
- Bước 1: Xác định giá tham chiếu – Tìm cột Giá tham chiếu (màu vàng) để biết giá đóng cửa phiên trước. Trong trường hợp này, giá tham chiếu của ABC là 30.000 VNĐ.
- Bước 2: Kiểm tra trạng thái giá – Vì ABC thuộc sàn HNX, mức giảm 10% đồng nghĩa với việc cổ phiếu đạt mức sàn. Khi đó, toàn bộ thông tin liên quan đến cổ phiếu ABC trên bảng giá sẽ hiển thị màu xanh dương, cho thấy áp lực bán mạnh và tình trạng giảm sàn.
- Bước 3: Quan sát khối lượng giao dịch – Kiểm tra Tổng khối lượng khớp để xem liệu có hiện tượng xả hàng mạnh từ nhà đầu tư lớn hay không. Nếu khối lượng giao dịch tăng cao, có thể cổ phiếu đang bị bán tháo hàng loạt. Nếu khối lượng thấp, có thể do lực cầu yếu khiến giá giảm mà không có quá nhiều giao dịch.
- Bước 4: Xem xét khối lượng chờ bán – Khi ABC giảm sàn, thường sẽ xuất hiện trắng bên mua (không có lệnh mua) và lượng dư bán lớn tại giá sàn. Kiểm tra cột Dư bán để xem số lượng cổ phiếu nhà đầu tư đang cố gắng bán nhưng chưa khớp hết, điều này phản ánh tâm lý hoảng loạn của thị trường đối với cổ phiếu này.
- Bước 5: Xác nhận xu hướng chung của thị trường – Nếu VN-Index hoặc HNX-Index cũng giảm mạnh, đặc biệt nếu toàn ngành ABC thuộc cũng giảm theo, khả năng cao cổ phiếu giảm không chỉ do yếu tố riêng mà còn do xu hướng chung của thị trường.
Cổ phiếu ABC giảm sàn với lượng dư bán lớn, không có lực cầu mua mạnh, cho thấy tâm lý hoảng loạn của nhà đầu tư. Nguyên nhân có thể đến từ tin tức tiêu cực, báo cáo tài chính xấu, xu hướng thị trường chung giảm hoặc tâm lý lo sợ lan rộng..

Trường hợp 3: Cổ phiếu dao động trong biên độ hẹp (Đi ngang)
Ví dụ: Mã cổ phiếu DEF giao dịch quanh mức 20.000 – 20.500 VNĐ trong suốt phiên.
- Bước 1: Xác định giá tham chiếu – Giá tham chiếu là 20.200 VNĐ.
- Bước 2: Kiểm tra biên độ dao động – Giá khớp lệnh biến động trong khoảng 20.000 – 20.500 VNĐ, không có sự thay đổi lớn.
- Bước 3: Quan sát khối lượng giao dịch – Nếu Tổng khối lượng khớp thấp hơn mức trung bình, có thể cổ phiếu đang trong giai đoạn tích lũy. Nếu khối lượng giao dịch cao nhưng giá vẫn không biến động mạnh, có thể có sự giằng co giữa bên mua và bên bán.
- Bước 4: Kiểm tra bên mua và bên bán – Nếu lệnh đặt mua và bán khá cân bằng, chứng tỏ chưa có bên nào chiếm ưu thế.
- Bước 5: Xác nhận xu hướng với chỉ số thị trường – Nếu VN-Index đi ngang, có thể thị trường chung đang ổn định, chưa có động lực tăng/giảm mạnh.
Kết luận: Cổ phiếu DEF đang đi ngang, có thể là giai đoạn tích lũy trước khi bứt phá theo một xu hướng mới

3. Giải đáp 3+ câu hỏi thường gặp
Dưới đây là giải đáp 5 câu hỏi thường gặp nhất khi tìm hiểu về cách đọc bảng giá chứng khoán:
Câu hỏi 1: Giá cổ phiếu trên bảng giá chứng khoán có phản ánh giá trị của doanh nghiệp?
Giá cổ phiếu thể hiện mức giá giao dịch tại một thời điểm cụ thể, phản ánh số tiền nhà đầu tư sẵn sàng trả để sở hữu cổ phần trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự biến động của giá cổ phiếu không chỉ phụ thuộc vào tình hình nội tại của công ty mà còn chịu tác động bởi nhiều yếu tố khác như cung cầu thị trường, tin tức doanh nghiệp, diễn biến kinh tế vĩ mô và thậm chí là yếu tố chính trị.
Trong khi đó, giá trị thực của doanh nghiệp lại được xác định dựa trên các yếu tố tài chính và hoạt động kinh doanh như doanh thu, lợi nhuận, chỉ số P/E (tỷ lệ giá cổ phiếu trên thu nhập), P/B (tỷ lệ giá cổ phiếu trên giá trị sổ sách), EPS (thu nhập trên mỗi cổ phiếu), và tiềm năng tăng trưởng dài hạn. Vì vậy, không phải lúc nào giá cổ phiếu cũng phản ánh đúng giá trị thực của doanh nghiệp.
Có những trường hợp một doanh nghiệp hoạt động tốt nhưng giá cổ phiếu lại không cao do ảnh hưởng của yếu tố thị trường. Ngược lại, một số cổ phiếu có thể bị định giá quá cao do tâm lý nhà đầu tư và kỳ vọng thị trường. Do đó, để đầu tư dài hạn hiệu quả, nhà đầu tư cần tập trung vào phân tích các yếu tố nội tại của doanh nghiệp thay vì chỉ nhìn vào giá cổ phiếu. Khi giá trị thực sự của doanh nghiệp được khẳng định theo thời gian, mức giá cổ phiếu sẽ dần phản ánh đúng giá trị, mang lại lợi nhuận bền vững cho nhà đầu tư.

Câu hỏi 2: Tại sao các cổ phiếu có biên độ giá trần sàn, bước giá khác nhau?
Mỗi sàn giao dịch chứng khoán quy định biên độ dao động giá khác nhau, ảnh hưởng đến mức giá trần và sàn của cổ phiếu so với giá tham chiếu. Cụ thể:
- HOSE có biên độ ±7%
- HNX có biên độ ±10%
- UPCOM có biên độ ±15%
Do đó, khi tính giá trần và sàn của một cổ phiếu, nhà đầu tư cần xác định mã cổ phiếu đó được niêm yết trên sàn nào để có con số chính xác.
Bên cạnh biên độ giá, bước giá – tức khoảng cách tối thiểu giữa các mức giá khi đặt lệnh – cũng khác nhau giữa các sàn:
Giá cổ phiếu < 10.000 đồng | Giá cổ phiếu từ 10.000 – 50.000 đồng | Giá cổ phiếu > 50.000 đồng | |
HOSE | Bước giá là bội số của 10 | Bước giá là bội số của 50 | Bước giá là bội số của 100 |
HNX | Bước giá là bội số của 100 | Bước giá là bội số của 100 | Bước giá là bội số của 100 |
UPCOM | Bước giá là bội số của 100 | Bước giá là bội số của 100 | Bước giá là bội số của 100 |
Câu hỏi 3: Cách xem cổ phiếu tăng hay giảm bằng cách nào?
Để xác định cổ phiếu đang tăng hay giảm giá, nhà đầu tư có thể dựa vào các màu trên bảng giá chứng khoán:
- Cổ phiếu tăng giá: Khi giá cao hơn giá tham chiếu, bảng giá sẽ hiển thị màu xanh lá cây. Nếu cổ phiếu tăng kịch trần, màu sắc sẽ chuyển sang tím.
- Cổ phiếu giảm giá: Khi giá thấp hơn giá tham chiếu, bảng giá sẽ hiển thị màu đỏ. Nếu giảm kịch sàn, màu sắc sẽ là xanh dương.
- Cổ phiếu không thay đổi: Nếu giá đóng cửa bằng giá tham chiếu, bảng giá sẽ hiển thị màu vàng.
Lưu ý rằng trong phiên giao dịch, giá cổ phiếu có thể biến động liên tục. Nhà đầu tư chỉ có thể xác định chính xác mức tăng hay giảm của cổ phiếu khi kết phiên giao dịch, lúc này giá đóng cửa sẽ là mức giá cuối cùng của ngày, thể hiện tại Cột khớp lệnh trên bảng giá.
Mở ngay tài khoản VFS để theo dõi biến động giá cổ phiếu theo thời gian thực, nắm bắt cơ hội đầu tư kịp thời và tối ưu chiến lược giao dịch. Đội ngũ chuyên gia VFS luôn sẵn sàng tư vấn, đồng hành cùng nhà đầu tư để xây dựng danh mục đầu tư hiệu quả, an toàn!

Hiểu rõ cách đọc bảng giá chứng khoán giúp nhà đầu tư theo dõi thị trường, xác định cơ hội đầu tư và quản lý danh mục giao dịch tốt hơn. Hy vọng với hướng dẫn chi tiết trên, VFS đã giúp nhà đầu tư có thể tự tin phân tích bảng giá và đưa ra quyết định đầu tư chính xác. Đừng quên tiếp tục trau dồi kiến thức chứng khoán TẠI ĐÂY để tối ưu chiến lược giao dịch của mình!
|